Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá 16/07/2024 12:25:00 479

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá

16/07/2024 12:25:00

Đó là chủ đề của Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - CLTC (Bộ Tài chính) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức sáng ngày 16/7/2024 tại Hà Nội. TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện CLTC và bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội (Vụ Tài chính - Ngân sách), Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; vùng nguyên liệu...; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Nhận thức được tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sớm vào cuộc nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và xã hội, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng.

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, bao gồm cả việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả đạt được chưa cao, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm nhưng tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới (năm 2010) xuống 45,3% (năm 2015) và khoảng 42,7% (năm 2022). Một trong những lý do chính là do giá thuốc lá của Việt Nam nhìn chung còn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam theo Luật hiện hành ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất; tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38 - 39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60 - 70%), cũng như khuyến nghị của WHO và Ngân hàng Thế giới là khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA phát biểu tại Hội thảo

Do đó, để tăng cường hiệu quả của việc phòng chống tác hại thuốc lá, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 tại Quyết định số 586/QĐ-TTg, theo đó cũng đề ra mục tiêu “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023 - 2025 và xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030”; giao Bộ Tài chính “Xây dựng lộ trình tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược; đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO; nghiên cứu phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp”.

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) phát biểu tại Hội thảo

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025 của Quốc hội, TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được gửi xin ý kiến các bộ, ban ngành tại Công văn số 6059/BTC-CST ngày 11/6/2024. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) về việc thông qua nguyên tắc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, tại Hồ sơ dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá và đưa ra 2 phương án tăng thuế theo lộ trình từ năm 2026 - 2030.

Bà Lê Thùy Linh - Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo

Bàn luận về nội dung Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), đại diện của Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cũng chia sẻ rõ thêm về một số nội dung sửa đổi thuế TTĐB liên quan đến mặt hàng thuốc lá. Cụ thể, đối với thuế suất mặt hàng thuốc lá, Dự thảo đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từ 2026 - 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%). Dự thảo đề xuất 2 phương án bổ sung thuế tuyệt đối (đồng/bao): Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030; trong khi phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. 

Hội thảo cũng ghi nhận những thảo luận, chia sẻ thêm về kinh nghiệm, xu hướng của các nước trên thế giới về việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá; đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá đến kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tác động của Dự thảo Luật Thuế TTĐB đến ngành thuốc lá….

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA gửi lời cảm ơn tới sự tham gia của các quý đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hiệp hội, các doanh nghiệp và các đơn vị báo chí. Bà Cúc cho rằng, những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, hiệp hội và các doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thuế TTĐb đối với sản phẩm thuốc lá, cũng như tăng cường hiệu quả của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới.

Nguyễn Chinh

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%