Thực thi các cam kết FTA và những vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước

Thực thi các cam kết FTA và những vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước 01/11/2024 17:25:00 328

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thực thi các cam kết FTA và những vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước

01/11/2024 17:25:00

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLTC) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 01/11/2024 tại Ninh Bình. TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC và ThS. Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia các chuyên gia kinh tế - tài chính, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường, cơ sở đào tạo, nghiên cứu; đại diện cơ quan địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC cho biết, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những chủ trương lớn của nước ta, được cụ thể hóa thông qua các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ. Theo đó, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và chuyển hóa được các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành những kết quả cụ thể, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu, đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện CLTC (bên trái) và ThS. Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan (bên phải) đồng chủ trì Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc gia nhập các FTA cũng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam không ít thách thức cần phải vượt qua để phát triển, bắt kịp với xu thế hội nhập của thế giới. Sự xuất hiện của các phương thức kinh doanh mới, sự phát triển của thương mại điện tử cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết của các FTA dẫn tới việc hàng hóa trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, các ngành hàng sản xuất trong nước cũng chịu tác động trực tiếp từ những biến động trên thị trường thế giới... làm ảnh hưởng đến tỷ trọng thu NSNN từ thuế xuất, nhập khẩu (XNK). Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng. XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, tổng cầu thế giới chưa phục hồi thì việc nghiên cứu những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế, giảm tác động của việc sụt giảm nguồn thu từ thuế XNK đến cân đối ngân sách cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm.

ThS. Tô Kim Huệ, Ban Chính sách tài chính công, Viện CLTC trình bày tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ThS. Tô Kim Huệ, Viện CLTC cho biết, việc tham gia vào các FTA đã mang lại nhiều cơ hội và có những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết FTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thu ngân sách nhà nước (NSNN) nói riêng. Trong thời gian qua, thu NSNN đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN theo yêu cầu; cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng cao, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Nguồn thu NSNN đa dạng hơn, thu từ các sắc thuế gắn với sản xuất và tiêu dùng trong nước có xu hướng ngày càng tăng. Qua diễn biến quy mô và cơ cấu thu NSNN ở Việt Nam giai đoạn vừa qua, ThS. Tô Kim Huệ đã chỉ ra một số vấn đề đặt ra đối với thu NSNN ở Việt Nam khi thực hiện các cam kết về thuế trong giai đoạn 2021 - 2030 gồm: Yêu cầu về đảm bảo sự bền vững của quy mô thu NSNN theo các mục tiêu, định hướng đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần phải được phân tích và nhận diện cụ thể; cơ cấu thu NSNN của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào các khoản thu “không thường xuyên” và hữu hạn, “không tái tạo”, các khoản thu có tính chất một lần như thu từ thoái vốn, thu từ giao quyền sử dụng đất; cơ cấu thu NSNN từ thuế cũng còn dựa nhiều vào các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân còn thấp và đặc biệt thu NSNN từ thuế nhà, đất (thuế bất động sản) còn khiêm tốn.

Trước tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung và các FTA nói riêng đến thu NSNN, một số khuyến nghị các giải pháp về thu NSNN cần được nghiên cứu, chú trọng nhằm điều chỉnh cơ cấu thu, tỷ lệ thu hợp lý và bảo đảm tính bền vững của thu NSNN như: Đẩy mạnh cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn và các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế tốt về cải cách thuế được thừa nhận, để đảm bảo quy mô thu NSNN; rà soát, điều chỉnh và thu hẹp ưu đãi về thuế để hạn chế sự xói mòn cơ sở thuế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế gắn với việc tăng cường ứng dụng các thành quả của sự phát triển về khoa học công nghệ và công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế về thuế...

Bà Ngô Thanh Loan, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính

Chia sẻ thêm về tác động thực thi cam kết thuế nhập khẩu tại các FTA, bà Ngô Thanh Loan, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, tác động thực thi cam kết thuế nhập khẩu tại các FTA được thể hiện rõ qua một số khía cạnh gồm: (i) Tỷ trọng kim ngạch XNK so với GDP tăng (kim ngạch XNK gấp 2 lần so với GDP), theo đó Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khu vực và trên thế giới; (ii) Cán cân thương mại cân bằng và từng bước đạt thặng dư; (iii) Cơ cấu XNK theo thị trường không có nhiều sự thay đổi. Tác động của các FTA thế hệ mới trong chuyển dịch thị trường chưa rõ ràng. Mức độ tập trung thương mại vẫn cao đối với một số đối tác lớn trong cả hoạt động XNK (thặng dư cao với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu; thâm hụt lớn với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN); (iv) Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất, xuất khẩu; (v) Cơ cấu XNK chuyển dịch theo hướng tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm xuất khẩu thô; nhập khẩu chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử.

Để nâng cao hiệu quả thực thi FTA, bà Ngô Thanh Loan cho rằng, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính tại các FTA và các PTA theo lộ trình; nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá tác động, dự báo tác động của việc thực hiện các cam kết trong các FTA tới nền kinh tế và lĩnh vực tài chính; hoàn thiện mô hình, phương pháp luận và cơ sở dữ liệu về đánh giá và dự báo tác động thu NSNN từ FTA hằng năm; đề xuất thực thi cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các khuôn khổ song phương và đa phương một cách chủ động nhằm giảm tập trung thương mại, đặc biệt là nhập khẩu từ một số đối tác cụ thể…

Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan

Chia sẻ thêm về hoạt động XNK trong bối cảnh thực thi FTA thế hệ mới, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2023, XNK của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2.000 tỷ USD, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD. Số thu NSNN từ hoạt động XNK đạt 306.312 tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán được giao, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Với việc tham gia tích cực vào các FTA thế hệ mới, Việt Nam đã và đang khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nâng cao vị thế, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới, nhất là nâng cao giá trị thương mại nhờ những ưu đãi được hưởng lợi từ các FTA đã ký.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế XNK trong thời gian đã được ngành Hải quan thực hiện hiệu quả, góp phần thu đúng, đủ và chống thất thu NSNN, khắc phục kịp thời hạn chế trong thực tiễn quản lý thuế; giải quyết khó khăn vướng mắc và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế điện tử và thông quan 24/7. Tính đến cuối năm 2023, đã có 42 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; 47 ngân hàng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu; 8 ngân hàng đã triển khai công tác nhờ thu. Ngoài ra, cơ quan Hải quan đang triển khai phương thức thu thuế qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải rà soát, khắc phục như công tác quản lý trị giá hải quan; công tác phân loại hàng hóa, xác định mức thuế, kiểm định; công tác miễn thuế, hoàn thuế; công tác thanh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trực ban giám sát trực tuyến liên quan đến các nghiệp vụ quản lý thuế.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khái quát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong lĩnh vực hải quan và các giải pháp chống thất thu thuế và gian lận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực hải quan khi thực thi các FTA. Qua công tác theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, gian lận trốn thuế của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm gian lận, trốn thuế như khai sai xuất xứ hàng hóa, làm giả xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa không phù hợp với bản chất xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý của hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, cơ quan Hải quan đã kịp thời, chủ động, triển khai nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan… Theo kết quả thống kê tính từ ngày 15/6/2024 - 14/9/2024, toàn cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 4.748 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 7.584 tỷ đồng, tăng 222,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 (ngày 16/12/2023 - 14/9/2024), cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng. Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gian lận, trốn thuế giả mạo xuất xứ, nhưng không làm gián đoạn việc sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ông Hoàn cho rằng, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục thực hiện phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ đề xuất giao các đơn vị nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm; tăng cường công tác thu thập, phân tích rủi ro xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp theo các nhiệm vụ được phân công…

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến thảo luận đến từ nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp về các nội dung: Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết, cũng như quá trình tham gia các FTA của Việt Nam; cơ hội cũng như thách thức của các doanh nghiệp XNK trong bối cảnh thực thi các cam kết FTA; kinh nghiệm của các nước trong việc tăng cường tuân thủ và chống gian lận ưu đãi thuế quan theo các cam kết tại FTA; các giải pháp nhằm chống thất thu thuế, gian lận xuất xứ…

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan gửi lời cảm ơn tới các quý đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hiệp hội, các doanh nghiệp và các đơn vị báo chí tham dự hội thảo. Ông Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, những ý kiến đóng góp quý báu tại Hội thảo sẽ góp phần củng cố thêm cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm tham vấn, tư vấn với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động XNK, nâng cao hiệu quả thực thi và các giải pháp nhằm tận dụng FTA, đẩy mạnh chống thất thu thuế tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chinh Nguyễn

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%