(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng vẫn là các chính sách vĩ mô trụ cột, trong bối cảnh tiêu dùng hiện đang ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực mới, cùng với việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế sẽ đóng vai trò then chốt để kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng với triển vọng tích cực, dự báo GDP có thể tăng trưởng đến 8% năm 2025.
Nguồn: Quốc hội. Đồ họa: Phương Anh
Xuất khẩu phục hồi, thu hút vốn FDI là điểm sáng
Việc thực thi các gói hỗ trợ tài khóa trong gần 5 năm qua dù không “làm khó” cho Chính phủ, Bộ Tài chính, nhưng cơ quan quản lý tài chính - ngân sách cũng phải khéo léo trong điều hành, thực thi các chính sách làm tăng thu nhưng phải không tác động tới “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu quan điểm, các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.
“Hiện tượng” Việt Nam cũng được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế. Khi phân tích về động lực tăng trưởng của Việt Nam, trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, tăng trưởng quý III của Việt Nam tăng cao nhờ xuất khẩu, đầu tư. Trong đó, Việt Nam là trung tâm sản xuất khu vực của các tập đoàn đa quốc gia và đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 19 tỷ USD trong 10 tháng qua.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Xu hướng này sẽ tiếp tục đẩy thúc đẩy FDI của Việt Nam cũng như thúc đẩy xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hay như chuyên trang tài chính Yahoo Finance mới đây đăng bài viết của hãng tin Bloomberg, đã nhận định kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi trong năm nay khi Chính phủ cam kết cắt giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp thu hút đầu tư, nhất là về công nghệ.
Về triển vọng, nhiều chuyên gia đồng tình, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng với triển vọng tích cực, dẫn đầu là sự phục hồi của nhu cầu xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ. Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng các thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ 3 về tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á. Chính phủ đã đưa ra các chính sách và ưu đãi thuận lợi để thu hút công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng mới
Những dự đoán mới đây của giới chuyên gia cho thấy tín hiệu lạc quan hơn trước đó. Có nhiều căn cứ để dự đoán mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, tuy nhiên ở mức nào thì giới chuyên gia cũng cho rằng “đây là con số khá thận trọng”. Trong điều kiện những yếu tố tích cực được tiếp tục duy trì, thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch Quốc hội đề ra năm 2025 hoàn toàn khả thi.
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng rất thận trọng khi cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm tới còn nhiều bất định. Do đó, các chỉ tiêu của Chính phủ được thiết lập trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố thuận lợi và thách thức nhằm đảm bảo kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khá thận trọng. Với những yếu tố tích cực như hiện nay thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch hoàn toàn khả thi.
Theo các chuyên gia kinh tế, các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân, và xuất nhập khẩu đang rất mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam cần chú ý về các rủi ro như biến động kinh tế thế giới, chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ… nên việc đặt mục tiêu thận trọng là phù hợp.
Dù vậy, ở kịch bản cao hơn, hiện nay có nhiều yếu tố tích cực tác động tới mục tiêu tăng trưởng, như các động lực truyền thống đầu tư công, đầu tư tư nhân và xuất nhập khẩu đang được đẩy mạnh. Cùng với đó, các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển du lịch… cũng đang trở thành những động lực quan trọng hơn, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đang tập trung cao độ vào công tác xây dựng pháp luật. 1 luật sửa 9 luật, 1 luật sửa 4 luật liên quan đến tài chính - ngân sách và đầu tư công đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua theo trình tự rút gọn tại 1 kỳ họp cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ, Quốc hội. Việc phân cấp, giảm thủ tục hành chính và quan trọng nhất là việc tháo gỡ về thể chế, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng để bứt phá phát triển trong thời gian tới.
Minh Anh