(HQ Online) - Trong tuần họp cuối của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức bổ sung vào chương trình nội dung về báo cáo, thẩm tra và thảo luận liên quan đến tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến sẽ thông qua tại Nghị quyết Kỳ họp vào phiên bế mạc ngày 30/11/2024.
Tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 là hết sức cần thiết. Ảnh: ST
Cần thiết
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết giảm thuế GTGT.
Theo đó, dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính đề xuất thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025, áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Như vậy, nếu quyết định giảm thuế GTGT tiếp tục được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11 này thì đây sẽ là lần thứ 5 thực hiện giảm thuế GTGT kể từ năm 2022.
Bộ Tài chính đánh giá, việc giảm thuế GTGT 2% sẽ nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo các chuyên gia, các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024 và dự kiến cả năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 đã cho thấy nhiều điểm tích cực. Tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước… là một phần nhờ vào những hỗ trợ từ chính sách tài khoá, trong đó có chính sách giảm thuế GTGT 2%.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ủng hộ việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2%, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) cho rằng, việc này sẽ tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế. Hơn nữa, theo đại biểu, việc gia hạn giảm thuế GTGT trong thời gian qua, cứ 6 tháng trình Quốc hội và quyết định, là một cách làm rất linh hoạt trong bối cảnh hiện nay để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng linh hoạt, thích ứng để đảm bảo cân đối lớn.
Cũng góp ý về nội dung này tới Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 là hết sức cần thiết.
Đồng bộ với giải pháp về tăng tổng cầu
Có một số ý kiến đề nghị, để đảm bảo hỗ trợ thêm cho phát triển kinh tế thì nên duy trì giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2025, thậm chí là mở rộng cho tất cả sản phẩm, dịch vụ để tăng kích cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước bởi theo góp ý của VCCI, các doanh nghiệp còn “lúng túng” trong việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%.
Đơn cử, nhóm hàng hoá viễn thông và công nghệ thông tin khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hoá chất cũng rất chung chung và khó phân loại... do đó VCCI đề nghị cân nhắc phương án giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các đề xuất cần bám sát thực tiễn của nền kinh tế, đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, nếu kết quả kinh tế những tháng cuối năm 2024 ghi nhận sự phục hồi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, xu hướng kinh doanh đi theo định hướng dẫn dắt của nền kinh tế gắn với nhu cầu tiêu dùng… thì có thể không cần thiết tiếp tục giải pháp giảm thuế.
Hơn nữa, các chuyên gia cũng đề nghị phải kết hợp với các giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường trong nước, tăng cường các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước… cũng như đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hương Dịu