Thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí 2%

Thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí 2% 27/11/2024 11:40:00 71

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi), tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí 2%

27/11/2024 11:40:00

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trong đó, Luật quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).

Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật về việc thành lập, gia nhập Công đoàn của người lao động Việt Nam và việc gia nhập Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm có giải pháp đồng bộ, phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, tổ chức Công đoàn trong kỷ nguyên mới như ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về tài chính công đoàn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ việc nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của Công đoàn. Đồng thời, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn.

Việc miễn, giảm, tạm dừng kinh phí công đoàn có tác động trực tiếp đến việc cân đối nguồn tài chính công đoàn, bảo đảm nguồn lực cần thiết của toàn hệ thống công đoàn, phân phối kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động thực tiễn của Công đoàn và đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, thể hiện thống nhất về đối tượng được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, bổ sung quy định “Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” khi quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Luật cũng quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Trần Huyền

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%