Ngày 29/11/2024, tại Quảng Ninh, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề: “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế” được tổ chức bởi Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Diễn đàn gồm phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề. Diễn đàn Tài chính Việt Nam là sự kiện được Bộ Tài chính tổ chức thường niên kể từ năm 2017.
Tham dự Diễn đàn có đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; doanh nghiệp và các đơn vị liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (UNDP, GIZ, IMF, WB…) và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Bộ Tài chính.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Về quy mô nền kinh tế, đến năm 2023, quy mô GDP ước đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu Đổi mới. Với quy mô GDP hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về hội nhập quốc tế, từ một nền kinh tế đóng, Việt Nam thành một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD (năm 2024 dự kiến chạm mốc 800 tỷ USD), thu hút FDI năm 2023 đạt 23 tỷ USD (trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 27,3 tỷ USD). Những thành tựu này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây là tiền đề để Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Cùng với những thuận lợi, còn nhiều khó khăn và thách thức khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đầy biến động, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ, đón đầu xu thế để vươn lên mạnh mẽ, toàn diện.
Mục tiêu tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế” với mong muốn lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam; từ đó thảo luận, gợi mở các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, cũng như đổi mới toàn diện nền kinh tế trong giai đoạn tới. Trong đó, chính sách tài chính cần tập trung vào: (i) Đổi mới sâu rộng, đột phá về thể chế tài chính để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ rào cản, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; (ii) Huy động đa dạng, tối ưu mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng KT-XH, phát triển lực lượng sản xuất mới, nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển; (iii) Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tài sản công và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực quốc gia. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đề nghị Diễn đàn làm rõ các vấn đề về: (i) Thứ nhất, các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực tài chính, đầu tư cho cơ sở hạ tầng trọng điểm; tháo gỡ và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư toàn xã hội; cùng với các chính sách tài chính thích ứng với sự biến động của thương mại toàn cầu; (ii) Thứ hai, nhận diện và làm rõ những cơ hội và thách thức đối với chính sách tài khóa trong giai đoạn tới. Trong đó, tập trung cải cách quản lý tài chính công, tăng cường minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách khác; (iii) Thứ ba, đề xuất các giải pháp thúc đẩy công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chiến lược, mũi nhọn nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn cho nền kinh tế.
Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh mới là vô cùng quan trọng. Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực, hoạt động kinh tế và việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng nền kinh tế, ổn định giá cả. Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 sẽ tạo không gian để các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai về tài chính NSNN. Từ đó, kỳ vọng có được những chính sách tài khóa và giải pháp hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để các nền kinh tế đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến chủ đề của Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 và kỳ vọng kết quả của Diễn đàn sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế của Tỉnh.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ "UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt được quá trình chuyển đổi xanh, bền vững và công bằng, bao gồm huy động các khoản đầu tư tài chính công và tư và thúc đẩy các quan hệ đối tác quốc tế để thực hiện các tham vọng của Cam kết do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Ông Dennis Quennet - Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững, GIZ Việt Nam
Ông Denis - GIZ, Dennis Quennet - Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững, GIZ Việt Nam chia sẻ Diễn đàn là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về các chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam và GIZ rất hân hạnh được tham gia vào quá trình này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và các đôi tác trong công tác xây dựng chính sách và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về quản lý hiệu quả nguồn lực công, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế cũng như phát triển bền vững" - ông Dennis Quennet khẳng định.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính điều hành Phiên chuyên đề 1
Tại Phiên thứ nhất do TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính điều hành, ông Jonathan London chia sẻ Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong huy động, phân bổ được nguồn lực tài chính để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thế giới cũng phải đối mặt với những nhiều thách thức và rủi ro về mặt kinh tế. Theo đó, huy động, đầu tư, đa dạng hoá các nguồn lực tài chính sẽ như một phương thức hỗ trợ sự phát triển nhanh, bao trùm và bền vững tại Việt Nam. Đây cũng là thời điểm để biến thách thức thành cơ hội để tạo ra những chính sách tài chính và chiến lược tài chính sáng tạo hơn giúp Việt Nam phát triển vững chắc trên con đường tiến tới mục tiêu 2045.
GS.TS. Jonathan London, Cố vấn Kinh tế của UNDP
Ông Jochen Schmittmann cho biết, Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh trong 2 thập kỷ qua nhưng phải chịu những cú sốc lớn cả trong và ngoài nước kể từ sau dịch Covid-19, nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ nửa sau của năm 2023 nhờ cầu bên ngoài phục hồi. Cùng với đó, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã có những hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự phục hồi trong nước diễn ra chậm. Tuy nhiên thu ngân sách từ thuế có xu hướng giảm và thấp hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. IMF cũng có dự báo cho Việt Nam theo kịch bản cơ sở có sự phát triển tích cực, tăng trưởng 7% và lạm phát thấp hơn 4%. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng là một rủi ro lớn trong bối cảnh Việt Nam có nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu. Xung đột địa chính trị gia tăng có thể dẫn đến áp lực lạm phát, tỷ giá, cầu bên ngoài thấp hơn và ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lãi suất toàn cầu có thể vẫn cao hơn dự kiến trong thời gian dài hơn và thị trường tài chính có thể biến động hơn. Sự bất ổn có thể sẽ ảnh hưởng đến đầu tư. Trong nước, các điểm dễ tổn thương dai dẳng trong khu vực ngân hàng và mức đòn bẩy nợ cao của doanh nghiệp vẫn là những thách thức.
Ông Jochen Schmittmann (bên phải), Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia
Theo GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho biết, những thách thức cho chính sách tài khoá của Việt Nam đó là tính dàn trải của chính sách. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp thường xuyên, sửa đổi quy định pháp lý, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch và dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều chỉnh và cải cách thuế. Cần xây dựng chính sách tài khoá mục tiêu trong giai đoạn tới với đầu tư hạ tầng chiến lược, có chính sách kích thích sản xuất ngành trọng điểm...
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, trong năm 2024, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, kích cầu tiêu dùng với những giải pháp về thuế có tính kích thích cao đối với nền kinh tế trong năm 2024 như: Giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường, giảm một số khoản phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất… Trong đó, chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% được thực hiện từ 01/01/2024 đến hết 31/12/2024. Việc giảm thuế GTGT tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát cũng như giảm tải chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đồng thời, giá thành sản phẩm giảm xuống cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 đã góp phần bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, dự kiến số thuế và tiền thuê đất được gia hạn trong năm 2024 khoảng 94.700 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Chia sẻ tại Phiên chuyên đề 2 do TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương điều hành, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, tình hình doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2024 và đánh giá triển vọng doanh nghiệp giai đoạn 2025 - 2030. Mặc dù tình hình doanh nghiệp được cải thiện, nhưng công tác cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch; chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; vai trò dẫn dắt, tạo động lực với nền kinh tế chưa đạt kỳ vọng. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần, nhiều dự án công trình có quy mô lớn của các doanh nghiệp nhà nước chậm khởi công, vận hành kém. Hiệu quả kinh doanh, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng. Trong giai đoạn 2025 - 2030, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn và đồng đều hơn song đan xen các rủi ro, thách thức phức tạp và khó lường. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, xu hướng già hóa dân số, gia tăng tầng lớp trung lưu, thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu; hội nhập, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra dưới những hình thức mới và gay gắt hơn… Đây là những xu thế phát triển mới, tất yếu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các quốc gia cũng như các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2030…
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá cao và trân trọng các ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn, nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự có tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tiếp thu để đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách tài chính, quản lý và điều hành trong thời gian tới.
Toàn cảnh diễn đàn
Quỳnh Hoàng